Hầu hết các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT đều tăng trong phiên hôm qua, ngoại trừ mức giảm khá mạnh của giá đầu đậu tương. Chỉ số MXV-Index Nông sản tăng 0,9% lên 1,238.07 điểm.
Thị trường nhìn chung đều giảm hoặc đi ngang trong suốt phiên sáng, tuy nhiên các số liệu tích cực từ báo cáo đã giúp cho giá tăng vọt trở lại trong suốt phiên tối.
Diễn biến giá Đậu tương kỳ hạn tháng 11 trong phiên hôm qua. Nguồn: Barchart
Đậu tương là mặt hàng tăng nhẹ nhất khi kết thúc phiên, với mức tăng 0.5% lên 390.13 USD/tấn, nhưng đã là phiên tăng thứ ba liên tiếp. Đơn hàng 261,000 tấn đậu tương Mỹ tiếp tục có tác động mạnh đến giá mặt hàng này.
Chừng nào mà thời tiết còn chưa được cải thiện tại miền trung Brazil thì Trung Quốc sẽ còn cần đẩy mạnh việc tìm mua đậu tương Mỹ nhằm đảm bảo nguồn cung trong đầu năm tới.
Bên cạnh đó, Dầu đậu tương giảm 2.1% xuống 731.05 USD/tấn và Khô đậu tương tăng 2.2% lên 409.61 USD/tấn. Giá dầu cọ giảm mạnh hơn 2% sau thời gian dài tăng trước đó do tâm lý chốt lời cộng thêm lo ngại về đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng ở châu Âu, khiến một loạt các nhà hàng phải đóng cửa và làm cho tiêu thụ dầu thực vật giảm xuống.
Trong khi đó, xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong 15 ngày đầu 10 đang thấp hơn 2.2% so với tháng trước cũng tạo áp lực lên giá dầu khiến cho mặt hàng này giảm liên tục trong cả phiên hôm qua.
Các quỹ đầu cơ cũng hoạt động tích cực trở lại trong cả ngày hôm qua, đặc biệt là với hợp đồng ngô và lúa mỳ. Hợp đồng tương lai Ngô kỳ hạn tháng 12 kết thúc phiên ngày hôm qua với mức tăng 1.8% lên 158.95 USD/tấn và đóng cửa ở mức cao nhất tính từ tháng 8 năm ngoái tới nay.
Một yếu tố tác động không nhỏ đến mức tăng hôm qua của giá ngô đó là sản lượng Ethanol có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, lên mức 937,000 thùng/ngày. Ngoài ra, lúa mỳ cũng bất ngờ tăng đột biến gần 4% trong ngày hôm qua lên 227.54 USD/tấn.
Tin: MXV