NÔNG SẢN
Mở cửa phiên giao dịch ngày 26/10, lực mua tiếp tục chiếm ưu thế đối với đậu tương. Tuy nhiên, mức tăng của giá cũng không đáng kể và tính cả phiên tăng hôm qua, giá đậu tương mới chỉ đang quay trở lại mức mở cửa đầu tuần. Điều này càng cho thấy rõ hơn xu hướng đi ngang và giằng co của mặt hàng này trong 2 tuần vừa qua. Với bối cảnh các thông tin cơ bản vẫn đang trái chiều nhau và bên bán hay mua vẫn chưa đủ cơ sở để chiếm hoàn toàn ưu thế thì chúng tôi vẫn duy trì quan điểm cho rằng giá đậu tương có thể sẽ tiếp tục duy trì khoảng sideway dưới 1400 trong vài phiên tới.
Với thời tiết thuận lợi kể từ đầu tháng 9, vụ thu hoạch năm 2022 đang diễn ra nhanh chóng. Trong lịch sử, vào thời điểm thu hoạch, tồn kho gia tăng thực tế gia tăng sẽ tạo áp lực lên giá và cũng là nguyên nhân lý giải cho việc giá nông sản thường ở mức thấp vào giai đoạn này trong năm. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đang thiếu rõ ràng khi mùa vụ của Mỹ vẫn đang đứng trước nguy cơ bị thắt chặt do năng suất cây trồng bị ảnh hưởng và La Nina đang đe dọa tới mùa vụ ở Nam Mỹ.
Ngoài ra, sự gián đoạn xuất khẩu do hoạt động hậu cần dọc theo con sông Mississippi đã khiến các lô hàng từ tháng 9 đến tháng 11 bị chậm lại đang khiến thị trường đặt câu hỏi liệu các quốc gia nhập khẩu có tiếp tục mua hàng từ Mỹ sau tháng 2 hay không, khi vụ mùa của Brazil đã sẵn sàng thu hoạch. Chính vì thế nên thời tiết ở Nam Mỹ sẽ được theo dõi chặt chẽ trong những tháng tới và có ảnh hưởng khá lớn tới xu hướng giá. Sở Kinh tế Nông thôn Parana (Deral) cho biết, nông dân tại bang đã gieo sạ khoảng 600,000 héc-ta đậu tương vụ mới nhờ có nắng nhẹ trong tuần trước. Nhờ đó, tiến độ gieo trồng đậu tương niên vụ 22/23 tại bang tính tới đầu tuần này đạt 44% diện tích dự kiến, từ mức 33% của một tuần trước. Hiện tại, sản lượng đậu tương niên vụ 22/23 ở Parana được Deral dự báo ở mức kỷ lục 21.5 triệu tấn, với diện tích canh tác cao nhất từ trước đến nay là 5.73 triệu héc-ta.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)