NÔNG SẢN
Mở cửa phiên giao dịch ngày 26/09, giá đậu tương đang giảm khá mạnh theo diễn biến chung của nhóm nông sản. Cũng như vài phiên trong nửa cuối tuần trước, các yếu tố cơ bản của cả nhóm nông sản đã bị lấn át bởi những thông tin xoay quanh triển vọng nền kinh tế, ảnh hưởng của lạm phát khiến cho các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất và kéo theo những biến động tới các đồng tiền. Trong tuần này, với lịch phát biểu của chủ tịch Fed Jerome Powell thì nhiều khả năng giá USD cũng sẽ là yếu tố tác động mạnh tới giá đậu tương.
Trong dự báo mới được đưa ra, Fed nhận định lãi suất cơ bản sẽ phải tăng với bước nhảy lớn hơn và lên ngưỡng cao hơn so với dự kiến trước đó; nền kinh tế sẽ giảm tốc mạnh; và thất nghiệp sẽ tăng với mức tăng vốn thường thấy trong các đợt suy thoái kinh tế trong lịch sử. Thống kê gần đây cho thấy tình hình lạm phát ở Mỹ gần như không có sự cải thiện nào cho dù Fed đã thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt. Hiện tại, chỉ số Dollar Index đang liên tiếp lập đỉnh mới trong vòng 20 năm qua. Nếu như phát biểu sắp tới của Fed khiến cho đồng USD tiếp tục mạnh lên, đồng nghĩa với việc hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ sẽ càng đắt đỏ hơn nữa thì giá đậu tương CBOT sẽ chịu áp lực cạnh tranh cao hơn từ nguồn cung ở Nam Mỹ.
Trong khi đó, công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp Datagro dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2/23 ở Nam Mỹ sẽ đạt mức kỷ lục 219.34 triệu tấn, tăng 21% so với niên vụ trước. Nông dân Brazil hiện đã bắt đầu gieo trồng đậu tương niên vụ mới với dự báo sản lượng năm nay sẽ đóng góp khoảng 70% tổng sản lượng của Nam Mỹ, tương đương khoảng 152 triệu tấn. Nguyên nhân dẫn đến việc sản lượng đậu tương đạt mức cao kỷ lục là do diện tích canh tác được mở rộng lên tới 66.09 triệu héc-ta, tăng 3% so với niên vụ trước và là mức cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Mặc dù triển vọng nguồn cung vẫn còn phụ thuộc vào thời tiết nhưng đây vẫn là yếu tố củng cố lực bán đối với đậu tương CBOT.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)